Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Chầu Đệ Tứ


 
 
Bà giáng thế hạ trần (có sách nói rằng bà giáng vào nhà họ Lí, tên là Lí Thị Ngọc Ba), sinh quán ở đất Quý Hương, An Thái, Vụ Bản, Nam Định, sau đó trở thành vị nữ tướng, tương truyền chầu là người khảng khái, chính trực, ra trận nếu có kẻ nào làm sai phép quân thì “tiền trảm hậu tấu” (chém đầu kẻ đó trước sau rồi mới về tâu với vua), nhưng đã có công giúp vua ra dẹp giặc và trấn giữ ở vùng Hà Trung, Thanh Hóa nên được sắc phong là Chiêu Dung Công Chúa. Sau này khi trở về Thiên Đình, bà được giao quyền khâm sai Tứ Phủ (từ Thủy Phủ cho tới Thiên Cung), Tam Tòa, biên chép sổ Thiên Đình, quyền cai bản mệnh gia trung (vậy nên có khi người ta còn gọi là Bà Thủ Bản Mệnh). Có khi chầu lại được coi là vị chầu bà giữ sổ Tứ Phủ, coi kho ngân xuyến, kề cận bên Mẫu Liễu Hạnh ở đất Phủ Dày. Đôi khi thanh nhàn, chầu truyền các tiên nàng dạo chơi khắp chốn, từ quê hương ra kinh thành, vân du khắp mọi nơi.
Chầu Đệ Tứ cũng ít khi về ngự đồng. Người ta thường hay hầu chầu khi về đền thờ chầu hoặc đất Nam Định (là nơi chầu kề cận Mẫu). Thường thì khi có đàn mở phủ mà đồng tân dâng bốn tòa Sơn Trang thì thỉnh chầu về chứng tòa màu vàng. Khi chầu ngự về mặc áo màu vàng, cầm quạt khai cuông rồi thường múa kiếm và cờ lệnh (chầu ra trận hoặc cầm cờ hiệu khâm sai), cũng có nơi hầu Chầu về múa quạt, múa mồi hoặc chỉ khai cuông rồi an tọa (điều này là do tập tục từng nơi).
Đền Chầu Đệ Tứ cũng được lập ở ba nơi: đầu tiên là Phủ Bà _Chầu Đệ Tứ nằm trong quần thể Phủ Dày (vì coi là chầu cận Mẫu) thuộc Vụ Bản, Nam Định (đồng thời là nơi quê nhà của chầu), tiếp theo là Đền Cây Thị_Đền Chầu Đệ Tứ thuộc Hà Trung, Thanh Hóa (là nơi chầu dẹp giặc) và ngoài ra ở Hà Nội còn có ngôi đền thờ vọng chầu ở bên bờ sông Hồng, gần cầu Chương Dương, Gia Lâm gọi là Đền Duyên Trường_Đền Chầu. Theo một tài liệu ghi lại thì ngày chính tiệc của Chầu Đệ Tứ là ngày 14/3 âm lịch.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét